Làng Giỏ (Hữu Bổ), xã Phùng Nguyên là quê hương của Đinh Công Tuấn, nơi ông đã sinh ra, lập đồn lũy phòng thủ chống giặc và cũng là nơi ông hóa. Sau khi Đinh Công Tuấn hóa, dân làng Hữu Bổ đã lập miếu thờ ông, sau này xây dựng thành đền Hữu Bổ Hạ.
Đền Hữu Bổ Hạ tọa lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng, thoáng đãng, cách biệt với khu dân cư bằng những mảnh vườn, rộng, ao làng. Đây là một địa thế đẹp về cảnh quan thiên nhiên và nổi tiếng là đất thiêng. Theo tài liệu “Bản xã thành hoàng sự tích”, xưa kia, nơi đây có một dải núi âm u, là đoạn cuối của núi Hùng, núi này có tên là Đăng Hương Sơn (sau này, Đinh Công Tuấn được Thục An Dương Vương phong tước là Á Sơn chính là xuất phát từ đây).
Đền Hữu Bổ Hạ quay hướng Tây Nam, được làm theo kiểu chữ Nhị (=), gồm 2 tòa: Tiền tế và Hậu cung. Tòa Tiền tế 5 gian, bờ nóc, bờ chảy được ke đắp xi măng vuông vắn, chắc chắn, mặt chính diện tạo 3 khuôn cửa bức bàn 4 cánh, đố ngạch cao, các bộ vì vững chãi theo kiểu quá giang gối tường. Tòa Hậu cung 3 gian 2 dĩ, mặt tiền vững chãi, trang nghiêm làm theo kiểu tác môn, mang đậm nét nghệ thuật thời Nguyễn, với hai cột đồng trụ cao 5m, ngoài cùng đắp kiểu ô đèn, chính giữa vòm cuốn tạo 3 cửa làm cho Hậu cung đền Hữu Bổ Hạ thêm thâm nghiêm kín đáo. Hai bên các cửa và trên cột đồng trụ đắp các câu đối nói về di tích và ca ngợi công đức của các vị thần được thờ. Tương ứng với các cửa vòm, phía trên đắp các phù điêu Hổ phù càm Thọ, các họa tiết hoa cúc dây, hoa sen. Bộ khung gỗ tòa Hậu cung chắc chắn với 4 hàng cột kê đá tảng vững chãi, các bộ vì được làm giống nhau theo lối “Thượng giá chiêng, chồng rường - hạ kẻ”, cấu kiện gỗ trên bộ khung nhà như: Dép hoành, giường đấu, kẻ được chạm mộc trang trí hoa lá cách điệu… Nhìn chung, đền Hữu Bổ Hạ có quy mô kiến trúc vững chãi, rộng rãi, có giá trị về mặt kỹ, mỹ thuật, đạt yêu cầu về chức năng sử dụng, phù hợp với tâm lý, tư duy của người Việt.
Đến nay chưa có cơ sở khẳng định được niên đại chính xác xây dựng ngôi đền cũng như những lần trùng tu. Qua dấu vết kiến trúc tại di tích, tư liệu chữ Hán và các cổ vật cho thấy đền Hữu Bổ Hạ có thể được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XVIII. Khởi đầu là ngôi miếu thờ sau này phát triển thành đền, sau nhiều lần tu sửa có kiến trúc như hiện nay.
Đền Hữu Bổ Hạ còn lưu giữ nhiều cổ vật, di vật có giá trị về lịch sử, mỹ thuật như: Ngai thờ, kiệu, đài, mâm bồng, đài quả, bát hương…; các tài liệu chữ Hán như: Ngọc phả “Việt thường thị Tuy Ca Đại vương phụ Thục An Dương Vương Ngọc phả cổ lục” sao từ ngọc phả gốc được lưu giữ tại Viện Hán Nôm Hà Nội, do Hàn Lâm viện Đông các đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc Nguyên niên (1572), năm Vĩnh Hựu thập nhị niên (1747), Quan quản giám bách thần chi điện Hùng lĩnh thiếu khanh sao lại bản cũ; 11 đạo sắc, trong đó 4 đạo sắc thời Lê (Khánh Đức nhị niên - năm 1650; Vĩnh Thịnh lục niên - năm 1710; Vĩnh Khánh nhị niên - năm 1730; Cảnh Thịnh tứ niên - năm 1796), 7 đạo sắc thời Nguyễn (02 sắc Thiệu Trị tứ niên - năm 1844; Minh Mệnh ngũ niên - năm 1824; Tự Đức tam niên - năm 1850; Đồng Khánh nhị niên - năm 1887; Tự Đức tam thập tam niên - năm 1880; Duy Tân tam niên - năm 1909) và một số tư liệu chữ Hán hết sức quý giá ghi chép sự tích của đền, của thần, các nghi lễ thờ cúng cầu hèm, các bài văn sắc, văn cúng, các sinh hoạt diễn ra xung quanh di tích như tục lệ làng xã, ăn uống, những lệ làng, thờ cúng nhà chùa, việc tiếp khách của thôn xóm, việc đi lính, công tác trật tự trị an, giải vật trong lễ hội đền Hữu Bổ Hạ.
Lễ hội truyền thống đền Hữu Bổ Hạ được tổ chức mỗi năm hai lần cầu: Từ 12 đến 15 tháng Giêng, ngày cầu chính; từ 12 đến 13 tháng Tám tổ chức lễ hội có rước kiệu. Lễ vật có thịt trâu, thịt lợn, xôi rượu, bánh trưng, lễ chay có bánh mật, có bánh khảo. Hội làng còn tổ chức hát nhà tơ, hát trống quân, hội vật, chạy thi cướp cò, nấu cơm thi.